QUẢN LÝ PHÒNG HỌC BỘ MÔN – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Th.s Trần Văn Quang | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
QUẢN LÝ PHÒNG HỌC BỘ MÔN – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Th.s Trần Văn Quang
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện mô hình trường trung học phổ thông (THPT) chuẩn quốc gia theo Thông tư 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2010. Theo đó, trường đạt chuẩn phải xây dựng phòng học bộ môn (PHBM) dành riêng cho từng môn học. Mỗi tiết, các em sẽ học tại một phòng khác nhau, thay vì chỉ ngồi cố định một chỗ như hiện nay. Tại các trường phổ thông trong cả nước đang tiến hành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng PHBM theo quy định về PHBM đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Vậy thực trạng việc sử dụng PHBM như thế nào cho hiệu quả và nâng cao chất lượng dạy- học đang là một vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục hiện nay. Trong bài báo này, chúng tôi phân tích những khía cạnh về sử dụng PHBM ở các trường THPT để đạt hiệu quả cao nhất. I. Thực trạng quản lý và sử dụng phòng học bộ môn 1. Phòng học bộ môn và các quy định Phòng học bộ môn là phòng học được trang bị, lắp đặt các thiết bị và phương tiện hỗ trợ phù hợp để dạy học, chuyên dùng cho một môn học hoặc một số môn học khác nhau. Theo Quyết định số 37/2008/QĐ BGDĐT thì diện tích làm việc tối thiểu của phòng học bộ môn được tính trên cơ sở diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh nhân với số lượng học sinh của mỗi lớp học quy định trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học cộng với diện tích tối thiểu cần sắp đặt các phương tiện và thiết bị dạy học. Đối với cấp trung học phổ thông: diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 2,00 m2; riêng phòng học bộ môn môn Công nghệ có diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh là 2,45 m2. Đối với phòng học bộ môn của các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học và Công nghệ phải có phòng chuẩn bị với diện tích từ 12 m2 đến 27 m2 mỗi phòng và được bố trí liền kề, liên thông với phòng học bộ môn. Đối với phòng học bộ môn xây dựng trước khi ban hành quy định này được chấp nhận có diện tích nhỏ hơn không quá 12% so với quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này. Theo TS. Trần Đức Vượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Học liệu và thiết bị dạy học phòng học bộ môn không chỉ giúp các trường bảo quản tốt thiết bị, tiết kiệm kinh tế mà còn tạo bầu không khí khoa học, nâng cao kỹ năng thực hành của giáo viên, học sinh. “Phòng học cố định chỉ phù hợp với kiểu dạy học chay, không phù hợp với lối dạy ứng dụng, sử dụng có nhiều mô hình thực nghiệm. Nếu học sinh chỉ ngồi một phòng trong cả buổi học, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi chuyển dụng cụ thí nghiệm đến lớp. Thiết bị dạy học cũng sẽ bị hư hỏng do di chuyển quá nhiều”. 2. Việc quản lý và sử dụng phòng học bộ môn Hiện nay, một số trường THPT trên cả nước vẫn còn sử dụng phòng thí nghiệm để dạy thực hành chứ chưa thật sự đảm bảo tính năng của PHBM theo quy định. Cơ sở vật chất nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, việc xây dựng PHBM chưa đồng bộ do các quy định của Bộ GD&ĐT thay đổi liên tục, thậm chí có trường chưa có PHBM. Công tác quản lý và sử dụng PHBM chưa được quan tâm đúng mức như phân công thời khoá biểu không hợp lý, viên chức thiết bị đối với trường dưới 45 lớp chỉ bố trí một người nên không xử lý hết công việc, việc kiểm tra, giám sát còn nặng hình thức… Đối với trường THPT Phan Thành Tài, thành phố Đà Nẵng kể từ năm học 2009-2010 đã được Sở GD&ĐT đầu tư xây dựng mới 04 PHBM: Vật lý, Hoá học, Sinh học và Tin học. Qúa trình triển khai dạy-học ở PHBM đã thực hiện theo thời khoá biểu nhưng qua thực tế khảo sát chúng tôi thu thập kết quả như sau: Bảng 01: Số lượng lớp theo chương trình phân ban
Bảng 02: Tỷ lệ dạy học 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học tại PHBM
Như vậy việc triển khai dạy học ở PHBM vẫn còn 18% số tiết chưa triển khai được mà phải dạy chay ở phòng học truyền thống, chưa kể các tiết lỳ thuyết vẫn chưa sử dụng PHBM để giảng dạy. Vấn đề này liên quan đến công tác quản lý, sự phối hợp giữa phó hiệu trưởng phụ trách dạy học, tổ trưởng chuyên môn, viên chức thiết bị và giáo viên bộ môn chưa triệt để và động bộ. Mặc dù phòng học bộ môn có nhiều ưu điểm hơn so với phòng học truyền thống nhưng khi triển khai dạy học theo phòng học bộ môn thì gặp nhiều khó khăn về nhận thức, thói quen dạy chay, ngại làm thí nghiệm, nặng lí thuyết. Hiện nay, cả nước đang tiến hành phân ban bậc THPT nên việc nghiên cứu sử dụng phòng học bộ môn theo hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh trong dạy học sao cho phù hợp với nội dung chương trình sách giáo khoa mới là việc làm cần thiết để nâng cao hiệu quả dạy học ở trường THPT. II. Một số định hướng sử dụng phòng học bộ môn Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là đưa chuẩn kiến thức, kĩ năng vào thành phần của chương trình giáo dục phổ thông đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác chỉ đạo dạy học, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là việc đổi mới phương pháp dạy học. Để khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”, chống đọc- chép đang còn phổ biến ở trường THPT, làm thế nào để việc sử dụng các PHBM có hiệu quả, nhà trường đã xây dựng một số quy định và giao trách nhiệm cho các thành viên như sau: 1. Quản lý hoạt động của phòng học bộ môn Hiệu trưởng phân công phó hiệu trưởng phụ trách dạy- học trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc sử dụng PHBM. Có kế hoạch chỉ đạo sử dụng PHBM thường xuyên, sắp xếp thời khoá biểu các môn, lớp để các tiết học các môn Tin học, Vật lý, Công nghệ, Hoá học, sinh học được học ở các PHBM không trùng nhau. Cùng với Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm lập kế hoạch, quản lý, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh tại các PHBM và báo cáo với lãnh đạo trường hằng tuần, tháng, học kỳ, năm học. Trong điều kiện nhà trường chỉ có một viên chức thiết bị không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ ở các PHBM nên lãnh đạo trường giáo cho tổ chuyên môn phân công giáo viên trực từng buổi tại PHBM do tổ phụ trách. Viên chức làm công tác thiết bị phối hợp với tổ trưởng chuyên môn lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch hằng tuần để hoạt động của PHBM có tần suất cao nhất. PHBM có niêm yết nội quy, lịch hoạt động hằng tuần theo thời khoá biểu, cập nhật hồ sơ, sổ sách, mô tả sắp xếp khoa học và hệ thống các thiết bị dạy học (TBDH) theo đúng chương trình môn học. Ngoài ra, cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ TBDH, các yêu cầu đảm bảo kỹ thuật, an toàn sử dụng trong PHBM để duy tu, bảo dưỡng hoặc đề xuất sửa chữa, mua sắm bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo, tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng phòng học bộ môn theo định kỳ. 2. Đối với viên chức phụ trách thiết bị dạy học và giáo viên phụ trách bộ môn Cần nhận thức đúng về hiệu quả dạy học và tầm quan trọng của PHBM đối với việc đổi mới phương pháp dạy học. Trước khi đến lớp giáo viên phải chuẩn bị nội dung các tiết dạy, chuẩn bị thiết bị dạy học (TBDH). Đối với các tiết thí nghiệm thực hành giáo viên phải tiến hành thí nghiệm trước khi tổ chức lớp học. Viên chức phụ trách thiết bị dạy học, giáo viên trực PHBM và giáo viên giảng dạy phài phối hợp chuẩn bị tốt đồ dùng dạy học, làm trước thí nghiệm thì khi giảng dạy chất lượng giờ dạy sẽ đạt hiệu quả. Mỗi lớp học giáo viên cần tổ chức phân nhóm học tập, rèn luyện: phân công nhóm học sinh theo các chức vụ khác nhau sao cho em nào cũng có nhiệm vụ riêng của mình. Ví dụ 1 nhóm 5 người thì có nhóm trưởng, nhóm phó, phụ trách kỷ luật, phụ trách phát ngôn viên và phụ trách hậu cần. Mỗi tiết học giáo viên yêu cầu các nhóm trưởng, nhóm phó đến PHBM cùng giáo viên chuẩn bị tiết học, các học sinh khác chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập, ngồi đúng vị trí quy định. Để học sinh học tập tốt giáo viên cần rèn luyện học sinh có ý thức, tác phong học tập trong các PHBM. Khi dạy hướng dẫn học sinh sử dụng TBHD đảm bảo kết quả, phát huy tính tích cực, tự giác tìm hiểu kiến thức bài học, phát huy tinh thần hợp tác hỗ trợ nhóm học tập của học sinh. Sau mỗi tiết học, giáo viên hướng dẫn học sinh thu dọn, sắp xếp lại đồ dùng, dụng cụ học tập, dọn vệ sinh đảm bảo PHBM an toàn, sạch sẽ. Một việc không thể thiếu đó là giáo viên phải tham gia học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo kế hoạch định kỳ của trường và sở tổ chức. Nhà trường yêu cầu giáo viên lập kế hoạch giảng dạy trong PHBM ngay từ đầu năm, đăng kí soạn số tiết giảng có sử dụng công nghệ thông tin/học kỳ; lập kế hoạch sử dụng thiết bị dạy học cho mỗi tiết học; khuyến khích giáo viên tự làm những thiết bị dạy học còn thiếu; sử dụng hợp lí hệ thống điện, máy chiếu, nước sạch. 3. Đối với học sinh Để đạt được kết quả cao trước hết phải rèn luyện cho học sinh có ý thức kỷ luật. Thực hiện nghiêm túc nội quy PHBM, đảm bảo trật tự, không đùa nghịch làm hư hại tài sản. Trước khi đến lớp có ý thức tự giác học tập, chuẩn bị đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên, các nhóm trực nhật đến sớm để phụ giúp giáo viên chuẩn bị và thu dọn sau mỗi tiết học. Trong giờ học ghi chép đầy đủ nội dung tiến trình buổi học, mạnh dạn trao đổi thảo luận nhóm về những kiến thức trong bài học. Tổ chức thí nghiệm thực hành an toàn. Khi có sự cố xảy ra phải bình tĩnh theo hướng dẫn của giáo viên. Nhà trường có kế hoạch hoạt động của PHBM choộhc sinh trước một tuần, tập luyện cho học sinh cách di chuyển đến PHBM một cách nhanh nhất. Rèn luyện cho học sinh thái độ tích cực khi học ở PHBM như chú ý các thao tác thí nghiệm, tích cực tham gia và đưa ra những thắc mắc… Không ở môi trường học tập nào, học sinh có cơ hội hoạt động nhiều như ở PHBM, tránh được tình trạng dạy chay – học chay. Ở đây các em không chỉ được rèn luyện kĩ năng thực hành mà còn được quan sát, nhận xét, tranh luận những vấn đề nẩy sinh trong thực tế. Chính nhờ đó, khắc phục được những thói quen xấu cho học sinh trong học tập như: thụ động, ỉ lại, tiếp thu một chiều… Hoạt động của PHBM không chỉ tác động tích cực đến học sinh về khả năng tư duy, sáng tạo mà ngay cả giáo viên cũng được “hưởng lợi” từ PHBM như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm được nâng cao. Khi tiếp xúc với công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị dạy học nhiều lần, chính bản thân giáo viên sẽ gắn bó với bài giảng, hứng thú với việc thiết kế bài giảng điện tử, không ngại làm thí nghiệm. Đối với thí nghiệm khó, giáo viên còn có thể dùng công nghệ thông tin để mô phỏng lại…qua đó tự bồi dưỡng được chuyên môn. Vì thế, trước đây trường không có PHBM, giáo viên dạy theo lối cũ. Hiện nay ở Trường THPT Phan Thành Tài – thành phố Đà Nẵng có 05 phòng học bộ môn. Ngoài các loại đồ dùng hiện có, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tổ chức dạy học theo nhóm qua đó phân công học sinh làm các đồ dùng tự tạo, các nhóm đã làm được nhiều đồ dùng có giá trị thiết thực: môn sinh học, các thí nghiệm vật lý,… Giáo viên đã huy động học sinh sưu tầm được nhiều loại tranh ảnh, hiện vật, học sinh tham gia làm các mô hình, đắp vẽ mẫu vật để phục vụ cho bài giảng. Qua đó giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thành phố, kĩ năng thực hành của các giáo viên tương đối tốt cho nên các tiết dạy ở PHBM đã mang lại niềm say sưa, hứng thú cho học sinh, chất lượng giờ dạy luôn được xếp loại giỏi. Từ cách thực tế quản lý và sử dụng đó, các PHBM của nhà trường luôn được khai thác có hiệu quả. Giáo viên có tinh thần trách nhiệm chuẩn bị giờ dạy, học sinh có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo quản đồ dùng, kĩ năng sử dụng các loại đồ dùng học tập đã được nâng lên. III. Bài học kinh nghiệm Qua nhiều năm công tác trên cương vị quản lý, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: – Một là: Trang thiết bị PHBM phải đồng bộ, đảm bảo chất lượng. Việc sắp xếp phải đảm bảo khoa học, tiện lợi cho người sử dụng; – Hai là: PHBM phải có nội quy chặt chẽ, người dạy và người học phải nắm vững nội quy và thực hiện nghiêm túc hàng ngày; cần giáo dục cho học sinh ý thức tự giác, tôn trọng và làm theo hướng dẫn của giáo viên, phòng học phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ; – Ba là: Trong khi chưa có giáo viên chuyên trách TBDH ở các PHBM, nhà trường cần lựa chọn những giáo viên có năng lực, có tinh thân trách nhiệm cho đi bỗi dưỡng để phụ trách các PHBM. Phải tổ chức được các chuyên đề, các nhóm chuyên môn giảng dạy tại các PHBM, giáo viên phải am hiểu các đồ dùng TBDH trong phòng, sử dụng có hiệu quả trong từng tiết học; – Bốn là: Hằng năm nhà trường phát động giáo viên, học sinh làm đồ dùng dạy học để bổ sung cho PHBM. Thường xuyên cập nhật, giới thiệu các TBDH mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Các PHBM được kết nối mạng để giáo viên tìm thêm tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy; – Năm là: Ban giám hiệu phải xây dựng kế hoạch dạy học hợp lý để tất cả các tiết học quy định được học tại PHBM. Tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện của giáo viên, học sinh. Công tác bảo quản, bảo dưỡng được kiểm tra thường xuyên để các PHBM đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng; – Sáu là: Tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư cơ sở vật chất cho PHBM thường xuyên: ủng hộ từ nhân dân, phụ huynh vã các tổ chức xã hội để mua trang thiết bị cho PHBM; Ngoài ra, nhà trường tích cực mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy như các loại tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ; sách giáo khoa tham khảo cho giáo viên; đĩa mềm cho các bộ môn… Với những ưu điểm của PHBM và phương pháp quản lý hiệu quả, PHBM là một trong những giải pháp tích cực phát huy tính tích cực của học sinh, tăng cường khả năng sử dụng TBDH của giáo viên, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường THPT. Chính vì vậy chúng tôi hy vọng rằng các cấp quản lý tiếp tục có sự đầu tư và quan tâm đối với sự phát triển của các PHBM trên cả nước để các trường THPT thực hiện được mục tiêu giáo dục đổi mới toàn diện hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ GD&ĐT. Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng trung học phổ thông. NXB Giáo dục, H.2010. 2. Bộ GD&ĐT – Dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông. Chỉ đạo chuyên môn giáo dục trường trung học phổ thông. H.2009. 3.Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 05 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT). NXB Giáo dục, H.2006. 4.Huỳnh Văn Sơn. Nhập môn kĩ năng sống. NXB Giáo dục, H.2009. 5. Lê Quỳnh. Cẩm nang nghiệp vụ quản lý trường học. NXB Lao động – xã hội, H.2006. 6. Quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 07 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định về phòng học bộ môn. 7. Thái Duy Tuyên. Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới. NXB Giáo dục, H.2007. 8. Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. 9. Trần Kiểm. Những vấn đề cơ bản của khoa học quản lý giáo dục. NXB Đại học sư phạm, H.2008. |
- THÔNG BÁO LỊCH HỌC TRỰC TUYẾN TUẦN 1 (07/9/2020-12/9/2020)
- báo giá dự toán dịch vụ mua hàng hóa tổ chức kỉ niệm 20 năm
- Hướng dẫn môn Lịch sử năm học 2020-2021
- Trường gửi lại phương án lựa chon môn học lớp 10 năm học 2022-2023
- Thông báo công khai quyết định đấu thầu căn tin của trường THPT Phan Thành Tài